Hôm nay,  

Hình Sự Trong Kinh Doanh

23/08/201200:00:00(Xem: 14438)
Việt Nam là nơi mà việc kinh doanh đòi hỏi những quan hệ thật ra là bất chính với giới chức có quyền...

Vụ một nhà đầu tư nổi tiếng tại Việt Nam là ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt chiều ngày Thứ Hai 20 Tháng Tám tại Hà Nội đã khiến thị trường chứng khoán tại Việt Nam sụt giá trong sự hốt hoảng chung và Ngân hàng Nhà nước của Việt Nam phải ào ạt bơm tiền qua thị trường mở để tránh một vụ sụp đổ dây chuyền. Nhân vật bị tống giam và khởi tố cùng thời điểm tiến hành nội vụ khiến dư luận ưu lo về những khó khăn kinh tế và chính trị hiện nay của Việt Nam. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu chuyện này qua phần trao đổi cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa của đài Á châu Tự do. Xin quý thính giả theo dõi phần trao đổi do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Sáng lập của một ngân hàng lớn tại Việt Nam bị cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công An bắt giữ đã gây chấn động cho thị trường tài chính tại Việt Nam và được truyền thông quốc tế loan tải. Chúng tôi xin đề nghị là kỳ này mình sẽ cùng tìm hiểu về chuyện đó, ông nghĩ sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ban đầu, tôi có cảm giác ngán ngẩm vì những lý do sau đây.

- Thứ nhất, về bối cảnh chung, tình hình kinh tế Việt Nam quả là kém sáng sủa với quá nhiều vấn đề dồn dập vì đà tăng trưởng sẽ giảm, lạm phát có khi tái xuất hiện và trăm ngàn doanh nghiệp đang ở trong tình trạng dở sống dở chết, thậm chí là chết lâm sàng, hoặc là những "xác chết chưa chôn".

- Giữa khung cảnh bên trong như vậy, biến động ngoài Đông hải do động thái ngang ngược của Trung Quốc hiển nhiên là những thách đố nan giải cho người cầm quyền. Nhưng vấn đề đầu tiên là "ai là người cầm quyền" hoặc cơ chế nào sẽ quyết định về những bài toán sinh tử cho quốc gia? Khi ấy, người ta mới chú ý đến những tranh chấp cá nhân không còn che giấu nổi ở trên thượng tầng.

- Thứ ba, hệ thống ngân hàng của Việt Nam đang bị khủng hoảng nặng với một số nhỏ của nhà nước thì tập trung tài sản mà không kích thích sản xuất trong khi nhiều ngân hàng khác thì thiếu thanh khoản và có thể sụp đổ dưới núi nợ xấu nên vẫn cố thu vét ký thác bằng cách tăng lãi suất. Họ lao về phía trước trong sự tuyệt vọng. Tình hình đó càng khiến các doanh nghiệp điêu đứng vì thiếu vốn kinh doanh và sẽ theo nhau phá sản, công nhân viên mất việc.

- Thứ tư, dư luận kinh doanh quốc tế thì theo dõi xem lãnh đạo kinh tế và ngân hàng Việt Nam giải quyết ra sao bài toán nợ xấu, khó đòi và sẽ mất. Khối nợ xấu đó thật sự lên tới mức nào thì không ai rõ và làm sao thanh toán là một vấn đề sẽ có ảnh hưởng đến kinh tế quốc gia. Vì vậy, dư luận chờ đợi người cầm đầu hệ thống ngân hàng trung ương của Việt Nam sẽ giải trình những việc đó trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp chiều Thứ Ba 21.

Vũ Hoàng: Và đấy là lúc bùng nổ vụ ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt, làm các thị trường đều bị rúng động!

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa đúng như vậy và tôi e rằng đấy là một chỉ dấu khó sai về khủng hoảng chính trị, chứ không chỉ là ngân hàng hay kinh doanh.

- Trước hết, trong một quốc gia bình thường, nếu một cá nhân hoặc doanh nghiệp có sai phạm về nghiệp vụ vì lý do kỹ thuật hay pháp lý thì cơ quan thanh tra giám sát có thể mở cuộc điều tra. Nếu sai phạm về kỹ thuật, tức là không cố tình nhưng có lầm lẫn thì cơ quan giám sát phải có biện pháp dân sự, thuộc về tội hộ. Tức là có thể bồi thường thiệt hại cho nạn nhân vì sự bất cẩn của mình. Nếu là sai phạm về pháp lý, tức là cố tình gian lận để trục lợi bất chính, thì cơ quan thanh tra phải yêu cầu nhà chức trách can thiệp và lập hồ sư truy tố kẻ bất lương, chứ không phải bất cẩn, về tội hình. Nghĩa là không chỉ phải bồi thường thiệt hại mà còn bị trừng phạt về tài chính và thủ phạm có thể bị án tù.

- Việt Nam là một quốc gia bất thường vì luật lệ thiếu phân minh nên rất khó xác định nguyên do của sai phạm là thuộc về dân sự hay hình sự. Ví dụ có thể thấy ngay là trong lĩnh vực ngân hàng hay mớ bòng bong khó gỡ của những nghiệp vụ đầu tư chòng chéo trong một chế độ kiểm soát lỏng lẻo, rất rộng mà cũng rất nông.

- Nhưng bất thường hơn vậy, Việt Nam là nơi mà việc kinh doanh đòi hỏi những quan hệ thật ra là bất chính với giới chức có quyền. Người ta khó thành công, và trở thành "đại gia" như bà con trong nước thường nói, nếu không có quan hệ và trở thành vây cánh của những người quyền thế nhất ở trên cùng. Đó là trường hợp của đương sự, người vừa mới bị bắt.

Vũ Hoàng: Theo những tin tức được cơ quan Cảnh sát Điều tra loan tải, ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt về tội kinh doanh trái phép và liên quan tới vi phạm tại ba doanh nghiệp do ông ta làm chủ tịch, gồm có Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại B&B, Công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đầu tư Tài chính Á Châu Hà Nội.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chỉ nội một cáo trạng như vậy cũng đã cho thấy sự bất thường. Ít khi nào có chuyện bắt giam một người về tội kinh doanh trái phép. Biện pháp quyết liệt này cho thấy là có cái gì đó nghiêm trọng hơn nhiều. Chuyện thứ hai là cách xử lý của nhà cầm quyền trong vụ bắt giam. Nó vẫn nhuốm mùi hành xử của "xã hội đen" trong một xã hội chưa có ý thức về luật pháp và một hệ thống cai trị không có trách nhiệm với quốc dân. Tôi xin được giải thích.

- Đáng lẽ, ngay sau khi tống giam đương sự, hãy cứ coi như một nghi can bị trọng án, giới hữu trách phải lập tức và công khai tổ chức một cuộc họp báo. Ngồi ở giữa là viên sĩ quan công an, hai bên là hai giới chức dân sự thuộc cơ quan thanh tra hay giám sát. Một trong hai người phải là viên chức có thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Mục tiêu là để trình bày dù ngắn gọn những kết quả của cuộc điều tra và thủ tục truy tố về những tội danh được minh định bởi viên chức thanh tra. Nhưng quan trọng nhất là để công chúng biết được rằng những sai phạm của đương sự, dù là một doanh gia về ngân hàng, không thuộc lĩnh vực ngân hàng. Lý do là để thị trường khỏi hốt hoảng và dân chúng mất tiền oan khi suy đoán rằng một đại gia ngân hàng đã rút ruột ngân hàng và tìm cách tẩu tán tài sản nên mới bị bắt.

- Trong một xã hội thiếu thông tin chính thức và minh bạch và báo chí không có tự do thì thị trường thông tin là thị trường đen. Đó là nơi mà sản phẩm được phổ biến chính là lời đồn. Khi dân tin vào lời đồn hơn là thông báo chính thức – nhiều khi mâu thuẫn - thì niềm tin vào nhà nước không có và người đồn đãi không có tội, nhưng rốt cuộc thì đa số thiếu thông tin mới là nạn nhân.

Vũ Hoàng: Ông cho rằng trong vụ án hình sự này, những lời đồn đãi hay bàn tán của người dân cũng có tầm quan trọng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hiển nhiên là có và đấy mới là vấn đề!

- Trước hết, người ta có thể suy đoán không sai, rằng đương sự là người có quan hệ vững chắc và rộng rãi với nhiều quan chức nên mới thành công rất nhanh như vậy, để trở thành một trong những người giàu nhất nước. Thứ hai, đương sự là người rất kín đáo trong các nghiệp vụ đầu tư của mình, hoặc của ai đó mà anh ta đứng tên. Thứ ba, đương sự có lối chơi nổi của kẻ thích vẻ hào nhoáng bên ngoài với xe hơi trị giá bạc triệu, nghĩa là chẳng sợ gây ra phản ứng đố kỵ ghen ghét. Thứ tư, đương sự còn bước vào một lĩnh vực được quảng đại quần chúng quan tâm là bóng đá và không ngại ngần gây hấn với tổ chức khác trong lĩnh vực này.

- Ngần ấy sự việc khiến cho mọi người đều có thể kết luận rằng đương sự có gốc lớn, được nhiều thế lực bảo trợ ở đằng sau. Đấy là lúc người ta kết hợp với các tin đồn, rằng những thế lực đó là sĩ quan công an cao cấp, có người là thứ trưởng, và trên cùng là ông Thủ tướng vốn dĩ được đánh giá là có mức liêm chính dưới trung bình sau hàng loạt những vụ sụp đổ của các tập đoàn kinh tế nhà nước do Trung ương quản lý. Khi tổng hợp lại thì câu hỏi chính vẫn là động lực. Và câu trả lời là việc đương sự khỏi cần ấn tín gì, như chủ tịch một tập đoàn kinh doanh, mà vẫn thâu tóm khoảng 12 cơ sở kinh tế trong nhiều lĩnh vực, phân nửa là các ngân hàng. Nghĩa là làm sao?

- Người vừa mới bị bắt chỉ là một nhà đầu tư đại diện cho nhiều nhà đầu tư giấu mặt ở bên trên. Với chế độ hiện hành, mỗi thế lực chính trị lại tỏa xuống dưới thành hệ thống kinh doanh có khả năng vi phạm luật lệ mà không bị trách nhiệm vì đã có trong túi những người có trách nhiệm thực thi luật pháp. Mọi sự chỉ vỡ lở khi các thế lực chính trị ở trên xung đột với nhau nên tay chân ở dưới mới bị sa lưới nếu không kịp thông báo để bỏ chạy, như trường hợp đã xảy ra. Rốt cuộc thì vụ việc được trình bày như một nỗ lực giải trừ tham nhũng để kiện toàn nhân sự, là khẩu hiệu đang được đảng tung ra sau màn phê bình và tự phê bình vừa qua.

Vũ Hoàng: Thưa ông, rồi đây sự thể sẽ ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta rất khó biết được sự thể trong khung cảnh không chỉ là mờ ảo của một xứ lạc hậu mà còn mờ ám và đầy bạo lực vì là sự lạc hậu phát sinh từ nạn độc tài.

- Sau một sâu chuỗi những tai tiếng và phải nói là phạm pháp nghiêm trọng từ các tập đoàn kinh tế nhà nước ra tới khu vực tôi gọi là "tư doanh nhập nhằng" vì những thế lực chính trị và trung tâm lợi ích kinh tế ở đằng sau, thì vụ "Bầu Kiên" như người ta gọi chỉ là một nối tiếp tất yếu. Hiện tượng tham ô và khuất tất trên doanh trường còn lan vào chính trường khi một đại gia kinh doanh và đảng viên làm nữ dân biểu lại bị truất bãi trong một hoàn cảnh khó hiểu. Những vụ nổ liên tiếp này chỉ là mấy cầu chì bị cháy ở dưới đển dòng điện khỏi lan lên trên và báo hiệu nhiều biện pháp trả đũa khác của thế lực đang bị tấn công. Chúng ta có thể coi đây là những tranh chấp của các tổ chức tội ác trong xã hội đen, không hơn không kém.

Vũ Hoàng: Ông có một kết luận khá bi quan về sự thể này, vì sao như vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ đến một đảng Mafia có cái vẻ đa nguyên của nhiều phe nhóm toàn là đại gia.

- Khốn nỗi, và đây mới là vấn đề gây ra sự ngán ngẩm cho mọi người, khốn nỗi người ta thanh lý môn hộ hoặc thanh toán nhau như vậy mà dân chúng chưa thấy một nỗ lực lớn lao của chính quyền để đưa kinh tế ra khỏi những khó khăn chồng chất hiện nay. Việc một kẻ gian có thể sa lưới và lãnh án tù chỉ là một niềm an ủi nhỏ, trong khi bất ổn kinh tế và khủng hoảng chính trị mới là vấn đề lớn lao gấp bội cho mọi người.

- Khi lại nhìn trên toàn cảnh, ở bên cạnh xứ Trung Quốc cũng đang có những bài toán nan giải bên trong vì tiến trình chuyển quyền đầy sóng gió của họ, người ta thấy rằng Việt Nam lại lỡ một cơ hội cải cách hầu có thể xây dựng một nền móng vững bền hơn cho việc bảo vệ quyền lợi của đất nước. Con thuyền đang lao vào giông bão mà thuyền trưởng, tài công và thủy thủ đoàn đánh nhau để giành lấy phao cứu hộ thì hành khách khó tìm ra lối thoát.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc trao đổi này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Có vài kinh điển đã nói đến chiến tranh và dùng bạo lực để trừng phạt, nhưng tìm cách biến đổi quan điểm thông thường của thế gian là bạo lực cũng đôi khi cần thiết bằng cách là đối thoại với một lý tưởng không dùng bạo lực. Về điểm này, Phật có nói đến mình như một người xuất thân từ giai cấp lãnh chuá. Trong hai bài pháp ngắn, Phật có bình luận về hai cuộc chiến xảy ra khi ác vương A Xà Thế, Ajàtasattu, tấn công vào lãnh thỗ của chú mình là vua Ba Tư Nặc, Pasenadi, cũng là một tín đồ của Ngài, và được coi như là người luôn làm việc thiện. Trong cuộc chiến đấu tiên, vua Pasenadi bị đánh bại và rút lui. Đức Phật có suy nghĩ về sự bất hạnh này và ngài nói rằng: “Chiến thắng gieo thêm hận thù, người bại trận sống trong đau khổ. Hạnh phúc thay cho một đời sống an hoà, từ bỏ đưọc mọi chuyện thắng thua. Điều này cho thấy rõ rằng sự chinh phục đem lại bi đát cho người thua cuộc mà chỉ đưa tới thù hận và dường như chỉ muốn chinh phục lại kẻ chinh phục.”
Chiều ngày 29/5 sau phiên xử phúc thẩm, một người dân ở xã Bình Phước, ông Lương Hữu Phước, đã trở lại toà án và nhảy từ lầu hai của toà để tự sát. Hình ảnh ông nằm chết, co quắp ngay trước sân toà nói lên nỗi tuyệt vọng, sự cô đơn cùng cực của người dân VN trước các phán quyết của toà án. Tôi chạnh nhớ đến câu nói của thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh trong phiên phúc thẩm của anh: “một lũ bất nhân đã làm ra phiên toà bất công”.
Ôi, tưởng gì chớ tật xấu của đàn ông (nói chung) và đàn ông Việt Nam (nói riêng) thì e đám đàn bà phải càm ràm cho tới… chết – hay ngược lại. Không mắc mớ gì mà tôi lại xía vô mấy chuyện lằng nhằng (và bà rằn) cỡ đó. Nhưng riêng hai chữ “cái làn” trong câu nói (“Lắm đấng ông chồng vui vẻ xách làn đi chợ…”) của Phạm Thị Hoài thì khiến tôi bần thần, cả buổi! Năm 1954, cái làn (cùng nhiều cái khác: cái bàn là, cái bát, cái cốc, cái ô, cái môi, cái thìa…) đã theo chân mẹ tôi di cư từ Bắc vào Nam. Cuộc chung sống giữa cái bàn là với cái bàn ủi, cái bát với cái chén, cái cốc với cái ly, cái ô với cái dù, cái môi với cái vá, cái thìa với cái muỗm… tuy không toàn hảo nhưng (tương đối) thuận thảo và tốt đẹp.
Hoa phượng được Nhất Tuấn gọi là hoa học trò vì thuở đó hầu như ngôi trường nào cũng trồng cây phượng trong sân trường. Khi phượng đơm hoa báo hiệu cho mùa Hè cũng là thời điểm chia tay sau niên học. Để lưu niệm, nữ sinh đóng tập Lưu Bút giấy pelure xen kẽ các sắc màu, trông thật nhã, ghi cảm nghĩ cho nhau… Ở lớp Đệ Tứ, không còn học chung nhau vì lên lớp Đệ Tam theo ban A, B, C và lớp Đệ Nhất là thời điểm chia tay vĩnh viễn, tập Lưu Bút dày hơn, chia sẻ, tâm tình… của tuổi học trò. Hầu như nam sinh không có Lưu Bút, chỉ được xía phần, dù có tinh nghịch nhưng phải viết đứng đắn, lịch sự.
Trong chị Thanh chỉ có một tấm lòng, chứ tuyệt nhiên không có “những bức tường lòng” phân cách Bắc/Trung/Nam – như rất nhiều người Việt khác. Tình cảm của chị tinh khiết, trong veo, và tươi mát tựa như dòng nước của một con suối nhỏ – róc rách, len lách – khắp mọi miền của tổ quốc thân yêu. Bởi thế, dù không biết chính xác chị được chôn cất nơi nao tôi vẫn tin rằng ở bất cứ đâu thì đất nước này cũng đều hân hoan ấp ủ hình hài của người thơ đa cảm, tài hoa, và chuân truyên nhất của dân tộc. Vĩnh biệt Nguyễn Thị Hoài Thanh. Em mong chị mãi mãi được an nghỉ trong an lành và thanh thản!
Đằng sau các cuộc biểu tình chống đối sự kỳ thị trong cái chết của George Floyd là các cuộc đập phá, phóng hoả, cướp và hôi của. Tại sao nó luôn xảy ra trong các cuộc bạo loạn. Đó là một câu hỏi nhức nhối và đau đớn đã làm phiền lòng không những người có mặt trong cuộc biểu tình mà của cả những người ngoài cuộc. Thấy được những cửa hàng thương mại, nhà thuốc, siêu thị, hệ thống bán lẻ bị đốt phá, cướp bóc tan hoang ai cũng đau lòng và phẫn uất, nhất là các chủ tiệm. Những bài phỏng vấn các tiểu thương cùng nhiều video Clip ghi lại những hình ảnh đập phá thu được ở các cửa tiệm thương mại đã làm tôi không ngăn được dòng nước mắt thương cảm cho họ. Các tiểu bang mới được mở cửa mấy ngày sau cơn đại dịch. Giới tiểu thương phải gánh chịu sự mất mát kinh tế trong vòng nửa năm qua, giờ họ lại bị phá sản bởi bao nhiêu vốn liếng tiêu tan trong phút giây. Họ khóc, con cái, gia đình họ khóc, họ chia sẻ nỗi uất hận tai bay hoạ gởi, rồi lại phải nai lưng ra quét dọn, gom góp những tan hoang đổ đi.
Một điều chắc chắn là Bắc Kinh không tranh đua làm cảnh sát quốc tế mà nhường vai trò này cho Hoa Kỳ phung phí tài sản và nhân lực trong các chiến trường Trung Đông, Trung Á và Bắc Phi. Trong khi đó Trung Quốc hưỡng lợi từ việc mua dầu hỏa, khai thác tài nguyên thiên nhiên, bán hàng tiêu dùng cùng kế hoạch Vành Đai Con Đường. Về phương diện an ninh Bắc Kinh hiện muốn đẩy lùi Hoa Kỳ ra khỏi Đông Thái Bình Dương để tạo một vòng đai an ninh vì khu vực này được xem thuộc ảnh hưởng truyền thống của Trung Quốc và là nơi có nền kinh tế năng động nhất thế giới. Trên khía cạnh tài chánh Bắc Kinh tìm cách phối hợp với Nga, Trung Đông và cả Âu Châu để chấm dứt vai trò thống trị của đồng đô-la.
Vào cuối tuần qua, Tổng Thống Hoa Kỳ, Donald Trump đã phải tìm kiếm sự bảo vệ khỏi những người biểu tình trong hầm ngầm bên dưới Tòa Bạch Ốc. Nơi trú ẩn khét tiếng là gì? Chúng tôi giải thích nó ở đâu và được xây khi nào và cho mục đích gì. Hoa Kỳ đang trong tình trạng khẩn cấp. Không chỉ vì cuộc khủng hoảng corona, mà còn ngày càng tăng do các cuộc biểu tình dân sự sau khi người Mỹ gốc Phi George Floyd bị giết bởi một cảnh sát. Các cuộc biểu tình ở nhiều thành phố trên cả nước đã đạt tỷ lệ đến mức Tổng thống Donald Trump phải đi đến nơi an toàn trong một hầm ngầm vào thứ Sáu tuần trước. Một hầm ngầm? Nơi trú ẩn khét tiếng này là gì? Chính xác thì nó được dùng để làm gì? Được xây khi nào? Nó nằm ở đâu? Chúng tôi cung cấp câu trả lời cho những điều này và các câu hỏi khác.
Hoạch đỊnh triển khai quân đội để trấn áp người dân Mỹ biểu tình của Tổng thống Trump đã dấy lên sự phản kháng chống đối dữ dội từ phía các tướng lãnh hồi hưu và các đại biểu liên bang congressmen thuộc đảng Dân chủ tại Hạ viện Hoa kỳ. Hôm 2 tháng 6, TNS Tim Kaine của đảng dân chủ bang Virginia cảnh cáo theo điều lệ National Authorization Act-NDAA- nghiêm cấm bất cứ ai không được dùng ngân quỹ nhà nước để triển khai quân đội Mỹ đàn áp công dân Mỹ biểu tình.
Chỉ còn hơn 6 tháng nữa đến Đại hội đảng toàn quốc XIII, diễn ra đầu năm 2021, nhưng những kẻ nịnh thần đã xếp hàng sau lưng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng để vận động “đề nghị” ông ngồi thêm nhiệm kỳ nữa, hay ít nhất cũng 2 năm. Lý do của đám tôi trung đưa ra là đất nước cần lãnh đạo ổn định để bảo vệ đảng và chế độ theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa, dựa trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhưng điều này cũng lộ ra dấu hiệu mất đoàn kết và không thống nhất trong nội bộ hơn 4 triệu đảng viên.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.