Hôm nay,  

Đảng Dân Chủ Mất Con Bài Chủ

11/6/200400:00:00(View: 5170)
Đảng Dân chủ thất cử nặng vì thả mồi bắt bóng và đánh mất con bài chủ: thành phần cử tri truyền thống của mình.
Kết quả bầu cử vừa qua có gây đau đớn cho đảng Dân chủ và gây ngạc nhiên cho nhiều người. Đó là một trận động đất chính trị có thể thay đổi bộ mặt của Hoa Kỳ trong nhiều thập niên tới, khi George W. Bush đã về cưa gỗ trong nông trại của ông ở Texas.
Như nhiều người, tác giả bài này cũng đã có nhận định sai lầm. Rằng nếu đảng Dân chủ chọn một ứng cử viên khác hơn là Nghị sĩ John Kerry thì ông Bush chỉ là tổng thống một nhiệm kỳ. Hoặc là sau khi ông Bush thắng cử khít khao, đảng Dân chủ sẽ có một trận phục thù ngoạn mục vào năm 2008. Kết quả bầu cử hôm mùng hai cho thấy cả hai dự đoán đều có thể sai, vấn đề nó nghiêm trọng hơn nhược điểm của Kerry và ban tranh cử bị loạn chiêu của ông.
Vấn đề nó nằm ngay trong cơ cấu và tư duy của đảng Dân chủ.
Một số nhà quan sát (xin đọc các bài quan điểm hậm hực của New York Times) đã cho rằng Bush thắng cử nhờ “nhà thờ”, nhờ thế lực tôn giáo. Lý luận đầy tính chất tự an ủi này có thể sẽ khiến đảng Dân chủ lại lầm lẫn nữa trong nỗ lực tự phê bình và cải sửa trong thời gian tới.
Trước khi nói đến những yêu cầu sửa sai, có lẽ ta cần xoá bỏ một số huyền thoại về chính trị Hoa Kỳ.
Nhiều người lầm tưởng rằng đảng Cộng hoà là chính đảng của bọn nhà giàu, đảng Dân chủ mới chăm lo cho người nghèo. Thực tế không đơn giản như vậy.
Sự thật thì đảng Cộng hoà có quan tâm đến giới tiểu doanh thương sống nhờ lợi tức kinh doanh, chứ các tập đoàn kinh doanh hay thành phần tài phiệt thì khôn ngoan ủng hộ cả hai đảng, nhiều tỷ phú còn công khai hậu thuẫn đảng Dân chủ. Trong tổng số tiền yểm trợ bầu cử, đảng Dân chủ vận động được nhiều hơn đảng Cộng hoà dù số người góp tiền lại ít hơn. Đảng Dân chủ mới có tỷ phú tung tiền ủng hộ bằng cách tấn công Bush, đảng Cộng hoà không có loại “cá lớn” đó.
Thứ nữa, nhìn từ California ra toàn quốc, thì trong cuộc bầu cử vừa qua, hơn 50% của gần 300 quận giàu nhất Hoa Kỳ (kể về lợi tức trung bình hoặc giá nhà trung vị - median home price) đều bỏ phiếu cho Kerry. Tại California, Kerry chiếm 55% số phiếu, nhưng tỷ lệ ủng hộ cao nhất, trên 65%, nằm trong những quận giàu nhất, những nơi nhà giàu làm chủ (San Francisco, Santa Clara – Thung lũng điện tử - Marin hay Alameda – căn cứ của Berkeley), đều ngả theo phe Dân chủ. Ra khỏi Orange county, Bush chỉ thắng ở các quận có tính thôn dã, trong các vùng canh tác, những vùng chó ăn đá gà ăn muối nằm sâu trong đất liền, ít ai nghe nói tới: Lassen, Merced, Modoc, v.v...
Nói rằng nhà giàu bỏ phiếu Cộng hoà là sai thì người ta xoay qua lý luận khác: Mỹ ruộng mới bỏ phiếu Cộng hoà.
Lập luận có tính chất miệt thị ấy mới là vấn đề của đảng Dân chủ.
Đảng Dân chủ xưa nay nổi tiếng là quan tâm đến công bằng xã hội và ưu lo cho người nghèo. Thành phần cử tri truyền thống của đảng là các nghiệp đoàn (công nhân và công chức), các nhóm thiểu số, của thành phần bần cùng, cần sự trợ giúp của chính quyền. Trong thành phần này, có người sùng đạo, có người không, nhưng yếu tố tôn giáo trước đây không là một vấn đề. Đảng Dân chủ đã trụ rất vững ở các tiểu bang miền Nam, nơi cư ngụ khá đông của thành phần bị gọi là Mỹ ruộng, những người Mỹ sống trong thế giới kín đáo yên bình của họ, ít tiếp xúc với năm châu bốn biển để có dáng vẻ văn minh lịch thiệp. Ngày nay, các tiểu bang đó đều ngả qua đảng Cộng hoà.
Những người thất cử hoặc thù ghét ông Bush đã giải thích sự kiện này là vì xã hội Mỹ trở thành bảo thủ hơn. Họ không nhìn thấy sự chuyển dịch ngay trong đảng Dân chủ: cơ sở đảng nay đã thay đổi.
Trong xã hội Hoa Kỳ, tỷ lệ dân số của các nghiệp đoàn giảm dần, thế lực của họ cũng giảm dần trong đảng. Thay vào đó là một thành phần “hiếu động”, activists, có những mục tiêu nhiều khi xa lạ với ước nguyện của giới lao động hay người bần cùng. Hình ảnh của đảng Dân chủ vì vậy đã đổi khác với thời của Roosevelt, Truman, Kennedy, Johnson, thậm chí thời của Carter và Clinton, tức là rất gần đây.
Trong cuộc bầu cử vừa qua, những tiếng “át giọng” của đảng Dân chủ không xuất hiện từ thành phần cử tri truyền thống, từ các lãnh tụ nghiệp đoàn hay sắc dân thiểu số, mà từ một thành phần “ưu tú”, một nhóm thiểu số cực đoan, hiếu động về xã hội và dùng bộ máy đảng làm cái loa khuếch âm lập luận quá khích của họ.
Trong giới điện ảnh Hollywood, các tài tử như Charlton Heston, Glenn Ford, Tom Selleck, Bruce Willis hay Gary Sinise là thiểu số ủng hộ đảng Cộng hoà, chúng ta không thấy họ xuất hiện tranh cử cho Bush, và nhất là không ồn ào đả kích John Kerry với thậm từ đầy tính chất nhục mạ. Ngược lại, những khuôn mặt như Michael Moore, Whoopi Goldberg, Barbra Streisand và rất nhiều người khác nữa, đã om xòm tranh cử cho Kerry và không lỡ dịp mạt sát người đang giữ trách vụ tổng thống. Ông Clinton thời Lewinsky cũng không bị phe cực đoan của đảng Cộng hoà chửi nặng như vậy.

Người dân Mỹ có thể yêu nhạc Bruce Springsteen hay tài diễn xuất của Merryl Streep, Suzan Sarandon, nhưng chưa chắc đã nghe họ trong các quyết định về đời sống, nhất là quyết định bỏ phiếu. Ngược lại, họ còn khó chịu khi thấy các nghệ sĩ đã ra khỏi sân khấu để nhục mạ đối phương chính trị. Nhiều nhà xã hội thiên về đảng Dân chủ đã nhận định rằng việc Kerry xuất hiện với các đại tài tử hiếu động ấy có thể làm phật ý đến 65% thành phần cử tri truyền thống của đảng.
Tại Đại hội đảng Dân chủ ở Boston, khi nguyên tổng thống Jimmy Carter được xếp ngồi bên Michael Moore, một số người đã đoán là đảng sẽ thất cử. Đồng ý hay không với ông Carter, người ta phải thấy rằng ông là người lý tưởng và nhân hậu. Trong khi đạo diễn Michael Moore là người không kềm chế được sự thù ghét đối với cả ông Bush, đảng Cộng hoà lẫn những biểu tượng bình thường của nước Mỹ. Moore là một tay sách động vô trách nhiệm và thiếu lễ độ, không thể là một biểu tượng đáng kính của một chính đảng lớn. Đảng Dân chủ đã bị thiểu số hiếu động ấy cướp mất diễn đàn.
Có một vấn đề nhạy cảm là hôn nhân đồng tính.
Dân số Mỹ chỉ có chừng 2% là người đồng tính, đa số còn lại coi đó là một chuyện không bình thường, nhưng không nhất thiết là tội lỗi. Những người đồng tính có muốn lập gia đình với nhau thì là chuyện riêng. Người Mỹ chấp nhận điều đó như một thực tế xã hội và đa số không có tinh thần kỳ thị hoặc xa lánh giới đồng tính. Nhưng, đến hơn 70% dân Mỹ vẫn còn cho rằng gia đình là nền tảng của xã hội và hôn nhân giữa nam và nữ là một định chế quan trọng. Ngược lại, dân Mỹ bình thường không đồng ý là một thẩm phán có thể ra phán quyết công nhận điều đó để xoá bỏ một định chế của xã hội. Quyết định ấy là quyền của người dân, qua lá phiếu. Tối cao Pháp viện của tiểu bang Massachussetts - địa phương của John Kerry - lại ra phán quyết như vậy (Thị trưởng San Francisco cũng đồng ý như thế). Và đấy là giọt nước làm tràn ly, làm dân Mỹ nổi giận (có thể là với sự hoan hỉ của các nhà lãnh đạo tôn giáo), nhưng giới lãnh đạo “nhà thờ” không khởi xướng chuyện ấy.
Khi chính quyền Cộng hoà muốn cải tổ thuế khoá để hai vợ chồng sống chung sẽ trả thuế ít hơn là khai thuế riêng, mục tiêu xã hội của biện pháp là để khuyến khích hôn nhân và củng cố nền tảng gia đình vì mọi người đều thấy số phận kém vui của trẻ em có cha mẹ độc thân. Việc cải tổ ấy bị đảng Dân chủ chống. Nay đảng Dân chủ đòi công nhận, và thực tế một số người còn muốn khuyến khích hôn nhân đồng tính, thì xã hội Mỹ có phản ứng. Kết quả là 11 tiểu bang đã ra đề luật cấm hôn nhân đồng tính và đề luật thắng lớn ở cả 11 tiểu bang, kể cả Ohio. Yếu tố này giải thích vì sao dân Ohio dù bị thất nghiệp nặng (vì Bush, theo lập luận Cộng hoà) đa số vẫn bỏ phiếu cho Bush dứt điểm.
Đảng Dân chủ theo xu hướng ôn hoà như Carter, Clinton (hay Dianne Feinstein và Loretta Sanchez tại California) đã không có tiếng nói đích thực cho người nghèo, ngược lại, bộ máy lãnh đạo đảng đã lọt vào tay những người coi trọng chuyện khác hơn là áo cơm của người dân.
Hình ảnh của đảng vì vậy bị lệch lạc:
Đây là đảng của một thiểu số cực giàu, trí thức, tiên tiến, loại đảng viên lịch lãm, ở nhà bạc triêu, đi xe limo, thắt cravate Hemes, và nói tới công bằng xã hội ở đầu môi chót lưỡi. Đã mất cơ sở bình dân lao động, đảng lại đề cử John Kerry, nhân vật tiêu biểu nhất của thiểu số ưu tú ấy làm đại diện, bên một thầy kiện triệu phú, thì dù Bush có phạm nhiều sai lầm đảng vẫn thất bại, không chỉ tại tòa Bạch Cung mà cả trong Quốc hội.

Dân Mỹ có thể chóng mặt vì những đổi thay quá nhanh và muốn tìm sự an bình xã hội trong mái ấm gia đình. Lý do đó có thể giải thích những thay đổi trong tâm tư thâm sâu của người Mỹ, khiến các tiểu bang càng ít giao tiếp với thế giới bên ngoài, càng ít bị Âu hoá, lại càng trở thành bảo thủ hơn về luân lý.
Nhưng, điều đó chỉ giải thích được một phần thôi.
Phần kia là sự lạc hướng của đảng Dân chủ. Nhất là khi sự lạc hướng đó lại có sự cổ võ của truyền thông thiên tả, một thiểu số ưu tú khác. Ta thấy ra điều này khi báo chí và truyền thông cấp địa phương vẫn có vẻ bảo thủ hơn thiểu số ưu tú, cấp toàn quốc, mà CBS hay New York Times có thể là những điển hình.
Từ nay đến 2006, nếu đảng Dân chủ không tự xét mình và trở lại với lý tưởng ban đầu, bầu cử năm 2008 vẫn là một thất bại lớn, dù có Hillary hay không. Vấn đề chưa phải là rút khỏi vùng Đông Bắc hay miền Tây để chinh phục các tiểu bang Midwest hay miền Nam.
Vấn đề trước hết là thay đổi cách nhìn của đảng Dân chủ, để thay đổi cách nhìn của cử tri. Khi đa số không thấy mình trong đảng, đảng sẽ còn ở vào thế đối lập. Thế thôi!

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Đúng 8:45am sáng ngày Thứ Bẩy, 26 tháng 10 năm 2019, tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ (Sid Goldstein Freedom Park), thành phố Westminster, Nam California, Hoa Kỳ, đã diễn ra trọng thể Lễ Tưởng Niệm (Memorial Ceremony) cho 81 Chiến sĩ Nhẩy Dù thuộc Đại Đội 72, Tiểu Đoàn 7 Dù/QLVNCH, đã thiệt mạng trong một tai nạn máy bay C-123 tại miền Nam VN ngày 11 tháng 12 năm 1965.
Đau thương nhất là niềm hy vọng của những người Việt còn chờ đợi cảm thấy ánh sáng mờ dần từ phía chân trời. Nhưng điều đau thương hơn cả là anh em đang sống trong búa rìu dư luận. Chúng tôi cảm thấy dư luận bất công sẵn sàng quay lưng lại với nhóm trẻ cô đơn đang tìm đường gai góc mà đi cứu người ở hải ngoại.
Sau khi chào đón anh chị em Nghĩa Sinh Phước Tuy, Phan Thiết và Sài Gòn đến công tác từ thiện tại Tỉnh Cà Mau ngày 12/10/2019, Linh mục Đaminh Lê Văn Hội - Quản xứ Trung Hòa (tỉnh Cà Mau), đã mời anh chị em Nghĩa Sinh Công Giáo tham dự thánh lễ tạ ơn do Cha chủ sự.
Tôi bước lên sân khấu trong niềm vinh dự là một sinh viên Việt Nam tốt nghiệp loại giỏi tại Đại học Đức, trẻ và rất trẻ, mười chín tuổi. Và đang học Master năm thứ nhất Khoa Piano trình diễn tại Đại học Âm nhạc hiện đại nhất của nước Đức. Đó là Đại học Nuremberg, Bang Bavaria.
Người rơm còn có một tên gọi khác, dễ nghe hơn, theo ngoại ngữ: nouveaux boat people – những thuyền nhân mới. Khác với lớp người tị nạn từ Việt Nam vào cuối thế kỷ trước, những kẻ đến sau không còn được thế giới chào đón nữa.
Cảnh sát hiện đang tập trung vào những người di cư từ Việt Nam khi điều tra cái chết của 39 người trong một "thùng chứa (container)". Sự chỉ dẫn đến từ người thân.
Halloween có một nguồn gốc từ một lễ hội cổ xưa 2000 năm trước ở Ireland có tên Samhain. Từ Samhain có nghĩa là "Mùa hè cuối cùng" trong tiếng Gaelic, một ngôn ngữ được sử dụng ở Ireland và Scotland. Nó cũng báo hiệu mùa đông bắt đầu để nhà nông chuẩn bị cho những tháng lạnh hơn
Kinh tế chánh trị là môi với răng. Dân chúng Hong Kong đang làm một cuộc chiến tranh nhân dân, vừa du kích vừa trận địa chiến ở thành phố. Vừa chống nhà cầm quyền tay sai của TC vừa chống bọn ăn theo CS và tay sai ơ Hong Kong.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.