Hôm nay,  

Cơm Chiều 29

2/7/202109:22:00(View: 4473)

blank


Dường như tôi không hợp lắm với không khí gia đình, nhất là cảnh gia đình xum họp hay đầm ấm. Ngay lúc thiếu thời, vào những chiều giáp Tết, thay vì quanh quẩn ở nhà – phụ cha lau chùi lư hương; giúp mẹ bầy biện mâm cơm cúng cuối năm – tôi hay lặng lẽ tìm lên một ngọn đồi cao nào đó (
lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang) với tâm cảm của một … kẻ giang hồ, đang trên bước đường phiêu bạt.

Ôi! Tưởng gì chứ chuyện “phiêu bạt” thì nào có khó chi, khi sinh trưởng trong một đất nước chiến tranh và ly loạn. Muốn là được liền thôi. Trời – đôi khi – cũng chiều lòng người, và chiều tới nơi tới chốn!

Những tháng ngày niên thiếu vụt qua như một cánh chim. Tôi bước vào tuổi đôi mươi, đúng vào Mùa Hè Đỏ Lửa, cùng với lệnh Tổng Động Viên. Thế là tôi “xếp bút nghiên để theo việc đao cung.” Hay nói một cách ít kiểu cọ hơn là tôi đi lính. 

Sau lính đến tù, với tội danh (nghe) hơi nặng là “cầm súng chống lại nhân dân.” Ra tù, vừa lếch thếch về đến nhà chiều hôm trước, ngay sáng sớm hôm sau ông công an khu vực đã vội vã ghé “thăm” và “nhắc nhở” đôi điều cần thiết:

  • Vì không có hộ khẩu ở thành phố nên tôi sẽ phải đi kinh tế mới.

  • Trong khi chờ đợi, bắt đầu từ ngày mai, tôi phải sắm “một cuốn sổ đi lại.” Khi đi đâu phải ghi ngày giờ khởi hành với chữ ký xác nhận của tổ trưởng dân phố, và đến đâu gặp ai cũng phải có sự xác minh của viên chức chính quyền ở nơi đó.

  • Mỗi tuần phải mang sổ lên phường để công an kiểm tra.

  • Mỗi tháng phải đọc kiểm điểm trước tổ dân phố để nhân dân nhận xét và phê bình ưu/khuyết điểm.

Nghe xong, mẹ tôi lặng lẽ móc túi đưa cho thằng con mấy tờ giấy bạc cùng lời căn dặn:

  • Thế thì mua luôn cái bút nữa con ạ. Đi đâu, đến đâu cũng phải nhờ người ký thì dắt viết theo luôn cho nó đỡ phiền.

  • Dạ.

Tôi cầm tiền bước ra khỏi nhà, ghé vào cái quán nhỏ bên đường mua một ly rượu trắng và mấy điếu thuốc lẻ. Ực xong ly rượu, tôi châm thuốc hút rồi lủi thủi bước đi, vừa đi vừa lầm bầm mấy câu thơ của Thâm Tâm  (Mẹ thà coi như chiếc lá bay/ Chị thà coi như là hạt bụi/ Em thà coi như hơi rượu say) và đi luôn cho tới bây giờ.

Mấy chục năm qua, không ít lúc, tôi cũng nhớ nhà mà chả rõ nhớ ai. Bố mẹ đã từ trần từ lâu. Anh chị em thì kẻ mất người còn nhưng đều tứ tán cả rồi. Tôi nhớ quê chứ không phải nhớ nhà, chắc vậy.

Tôi nhớ Đà Lạt cùng tiếng mưa đêm rầm rì, thầm thì qua mái ngói. Nhớ những bữa cơm chiều và món con cá nục hấp (chiên vàng rồi mới kho chung với tóp mỡ) cùng những lát ớt đỏ tươi. Nhớ những buổi sáng sớm tuy vẫn còn nằm trong chăn ấm (lắng nghe tiếng chim sẻ ríu rít trên mái ngói) nhưng biết được rằng cơn bão rớt đã qua, hôm nay trời sẽ nắng tươi vàng.

Đôi khi, tôi cũng nhớ Rạch Giá vào những ngày biển động. Trời sụt sùi mưa, mây mù thấp xám, sóng dạt bờ kè tung tóe. Tôi lần dò đến thành phố này với hy vọng tìm được đường chui, dù chả quen biết một ai và cũng không một đồng xu dính túi.  

Ban đêm, tôi thường nằm quấn mình trong một tấm vải nhựa ở chân cầu Đúc. Ngày thì hay đi loanh quanh trong chợ Nhà Lồng. Lòng buồn, bụng đói, dạ hoang mang nhưng mắt vẫn không rời những chiếc bàn ăn với ước mong có thể kiếm được chút gì còn sót lại trong tô hay trên dĩa. Niềm mong ước rất mỏng manh vì vào thời gian này (những năm cuối của thập niên 1970 – khi phong trào vượt biên đang lên tới đỉnh) thì gần như mọi người đều đói cả, chứ chả mấy kẻ no.

Rạch Giá có một tiệm ăn nổi tiếng (Tây Hồ) ở số 6 đường Nguyễn Du. Tôi thường   thập thò trước cửa nhưng không mấy khi chạy vội vào bên trong, ngay khi thực khách vừa buông đũa. Tôi ngượng, đã đành; điều khó đành hơn là ánh mắt thèm thuồng của mấy đứa bé bẩn thỉu, gầy gò đứng cạnh bên. Chúng cũng đang chầu chực “khẩn trương” chả khác chi mình. 

Cả đám – chắn chắn – đã không đến nỗi này, nếu tôi không phải là một kẻ bại trận trong cuộc chiến vừa qua. Tôi vẫn nghĩ thế nên cái mặc cảm của kẻ có lỗi đã luôn giữ chân tôi lại, với không ít buồn rầu!

Có lẽ nhờ chút sĩ diện (còn sót) này mà tôi đã được những người chạy bàn “đối đãi cách riêng.” Họ cho tôi cái đặc ân quí giá là được sớt vô lon guigoz ít thức ăn thừa, vào giờ đóng cửa. 

Nhờ thế mà tôi biết canh chua cá chẻm của quán Tây Hồ ngon lắm, canh chua cá lóc còn ngon hơn nữa, còn cá rô kho tộ (có lần tôi được hưởng gần cả nguyên con) thì ngon hết biết luôn. Nó ngon đến độ khiến tôi suýt hóc xương chỉ vì nhai vội quá!

Nhiều người nói là ở Mỹ muốn ăn thứ gì cũng có – bất kể là món của Tây, Tầu, Cận Đông, Trung Đông, Viễn Đông hoặc Phi Châu lục địa. Tôi đã lê la qua hàng ngàn quán ăn ở đất nước này nhưng không tìm đâu ra được canh chua cá lóc và cá rô kho cả. 

Từ California, muốn tìm lại được hai thức ăn này, phải mất đến hơn 20 giờ bay lận! Xin ghi địa chỉ đây cho người đồng điệu, khi cần: Nhà Hàng Ngon (Preah Sihanouk Blvd 274, Tonle Bassac) Phnom Penh – Cambodia. 

blank


Tôi mới ghé đây chiều qua, chiều 29 Tết. Không thể đến vào ngày mai vì 30 quán đóng. Tôi đã bỏ cái thói quen thập thò trước tiệm ăn tự lâu rồi. Bây giờ tôi đàng hoàng thong thả bước vào bên trong, cười đùa thân thiện với những nhân viên (đứng chào khách ngay  tận cửa) và không quên đút nhẹ vào túi trên của họ mấy tờ giấy bạc lì xì. 

Dù chỉ có mặt xuân thu nhị kỳ, tôi không phải là khách lạ vì khó ai quên được một ông già Á Châu nhưng không nói được tiếng Tầu (tiếng Thái hay tiếng Miên cũng nỏ) luôn vui vẻ đùa cợt, và lúc nào cũng chỉ gọi một thứ thức ăn duy nhất: cá rô kho.

Tôi luôn được tiếp đón hơi quá nồng hậu vì có thói quen over tiping, không bỏ sót một cô hay cậu chạy bàn nào đang có mặt, và cũng không quên người đứng bếp. Chắc các em nghĩ là tôi giầu có và hào phóng, chứ đâu có biết rằng tôi buộc phải trả thêm tiền cho những cơm (ngon tuyệt vời) mà mình vẫn còn thiếu nợ ở quán Tây Hồ, từ mấy mươi năm trước.

Phải mất gần nửa tiếng món ăn ruột của tôi mới được dọn ra. Mấy chú cá rô bé bỏng chỉ bằng ba ngón tay thôi, tiêu đen rắc lấm tấm trông giống như mè, thơm phức. Cơm trắng cũng ngạt ngào hương gạo mới nhưng tôi không cảm thấy đói, dù đã uống “khai vị” hơi nhiều. 

Ơ cá chiều nay – không dưng – khiến tôi hơi nghèn nghẹn, dù tuổi già hạt lệ như sương. Lại nhớ nhà chăng? Tôi không nhớ nồi cá nục kho vào những chiều mưa Đà Lạt khi mình còn thơ ấu (và còn được sống trong yên ấm) nhưng nhớ những ngày biển động ở Rạch Giá, và lũ trẻ thơ bất hạnh năm nào.

Đứa bé nhất thì nay cũng đã đến tuổi ngũ tuần rồi. Cũng sắp xong một kiếp người đen đủi. Đúng như ước mơ của thời niên thiếu, nửa thế kỷ rồi, tôi “được giang hồ phiêu bạt” qua rất nhiều nơi (những vùng đất văn minh phú túc, cùng những xứ sở lạc hậu nghèo nàn) nhưng chưa thấy đâu mà kiếp nhân sinh lại nhọc nhằn, cay đắng, cơ cực và tủi nhục như ở cái phần quê hương khốn khổ khốn nạn của mình.

 

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Ôi, Sài Gòn của Ngà, cái Sài Gòn xưa với đủ mọi sắc màu tươi thắm lấm lem, cổ tích với dân dã, ngọt ngào lẫn tủi cực, cái Sài Gòn mà người ta nhất quyết bôi xóa, nó đã mọc lên ở đây, ở cái khe đất người bản xứ không chú ý, như những cây me con con đã nhờ gió thổi hạt bay tứ phương rồi lén lút trồi lên ở bất cứ rãnh đất trống nào, trong khi Sài Gòn ngày nay ở quê nhà lại như những con phố ngoại quốc lòe loẹt cửa hàng thời trang với những tòa nhà chọc trời che hết thổi bay hết các sắc mùi quê hương yêu dấu.
Ba tôi là một sĩ quan truyền tin của quân đội VNCH. Gia đình tôi sống trong Bộ Tổng Tham Mưu, gần sát phi trường Tân Sơn Nhất. Vì sống trong trung tâm của Bộ Tổng Tham mưu nên ba tôi nói rất nguy hiểm và ba đã xây một cái hầm cho mẹ con tôi trốn đạn. Mẹ nói ba làm rất cực để giữ an toàn cho gia đình. Ba vì công việc nên đi hoài, mẹ ở nhà mỗi khi nghe đạn pháo nổ dắt chúng tôi chạy xuống hầm trốn đạn. Và ngày ấy đạn pháo bay như mưa, tôi còn nhớ cứ lâu lâu nghe tiếng súng bắn và nghe người ta la "chết rồi, máy bay cháy", hoặc "chết rồi, nổ rồi, cháy ..cháy" và trên radio thì cứ nghe bài hát "một cánh tay đưa lên, hàng ngàn cánh tay đưa lên quyết đấu tranh…. ".
Bài viết “Đánh Trận Là Một Nghệ Thuật” đã được đăng trên “The Journal of Military History” số 68 vào năm 2004. Đây là một quyển báo rất có uy tín của quân đội Hoa Kỳ từ năm 1937, chuyên đăng những bài nghiên cứu có giá trị về lịch sử quân đội của mọi nơi trên thế giới. Dù đã ra đời mười sáu năm, bài viết này có một giá trị lịch sử đặc biệt vì người viết đã tham khảo rất công phu nhiều tài liệu của cả Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ và Bắc Việt. Bài viết này đã được Cố Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, Cựu Tư Lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa nhận định là chính xác đến 95%.
Máu đã đổ suốt từ thời chiến tranh cho tới lúc hòa bình 45 năm nay, những giọt máu của người dân trong nước khao khát nền Tự Do Dân Chủ vẫn còn chảy trong nhà tù với những bản án khắc nghiệt dành cho họ và những người đã chết đều có thật. Rất thật.
Vào sáng ngày 1 tháng 5-1975 Trung tá bác sĩ Hoàng Như Tùng, nguyên chỉ huy trưởng Quân Y viện Phan Thanh Giản - Cần Thơ, mặc đồ dân sự, trong tư thế quân phong, đưa tay lên chào vĩnh biêt Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lênh Quân Đoàn IV, Quân Khu IV, Vùng 4 Chiến Thuật, trước sự kinh ngạc của một nhóm sĩ quan cấp cao của bộ đội cộng sản vì sự dũng cảm của bác sĩ Trung Tá Hoàng Như Tùng. Một sĩ quan của bộ đội cộng sản mang quân hàm thiếu tá tiến đến và yêu cầu bác sĩ Hoàng Như Tùng nhận diện Tướng Nguyễn Khoa Nam.
Dù tôi đã sống trên đất Mỹ nhiều năm rồi, nhưng thỉnh thoảng, trong giấc ngủ hằng đêm, tôi vẫn gặp ác mộng về những lần trốn chạy kinh hoàng của một người bị săn đuổi. Choàng tỉnh dậy giữa đêm, tôi nhớ lại rất rõ nét những giấc mơ vừa trải qua, mồ hôi toát ra như tắm vì tôi như vẫn còn nghe văn vẳng đâu đây tiếng kẻng báo thức rõ mồn một, tiếng kẻng của các trại giam cộng sản Việt Nam được làm bằng những cái niềng (rim) xe hơi và dùng 1 thanh sắt gõ vào tạo thành 1 âm thanh vang rất xa. Ai từng ở tù hay bị đày ra những trại cưỡng bức lao động, hoặc trại tập trung cải tạo của cộng sản Việt Nam thì không bao giờ quên được tiếng kẻng này.
46 năm sau biến cố cưỡng chiếm Hoàng Sa 1974, và 32 năm sau vụ thảm sát Gạc Ma nơi quần đảo Trường Sa 1988, cả hai đều do bàn tay vấy máu của Trung Cộng. Không chỉ bằng vũ lực, Bắc Kinh nay còn viện dẫn Công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng ký như bằng chứng pháp lý gây khó khăn cho Việt Nam trong tranh chấp chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Kim lái chiếc xe Honda đi biếu cái bánh chưng cuối cùng vào lúc 7 giờ sáng ngày 30 Tết năm 1975. Tuy có bao nhiêu lần thức khuya học bài, nhưng đây là lần đầu tiên Kim thức trắng đến sáng, cái đầu nhức như búa bỗ, óc trống rỗng, người lâng lâng như muốn bay lên mây...
Mở đầu nhật ký tuần này xin được góp phần tưởng nhớ các nhân viên y tế, đặc biệt là các y tá (những thành viên trong đội ngũ thiên thần áo trắng ở tuyến đầu chống dịch bệnh Vũ Hán) ở khắp nơi trên thế giới đã "sinh nghề tử nghiệp". Tính đến đầu tháng 4 năm 2020, đã có hơn 100 "thiên thần áo trắng" qua đời vì bị lây nhiễm Coronavirus từ bệnh nhân, hơn một nửa là nhân viên y tế ở Ý.
Những dòng ký sự và nhận định sau đây, tường thuật lại những biến cố xảy ra tại Trường Y Sàigòn từ năm 1967-1971 và sau đó...do sự can thiệp của phái bộ Hội Đoàn Bác sĩ Mỹ -American Medical Association tại Saigòn (AMA-SAIGON) vào nội bộ Trường Y Saigon. Những sử liệu của bài nhận định này đều dựa trên những điều tường thuật của quyển sách thời danh SAIGON MEDICAL SCHOOL do 3 người viết: CH William Ruhe MD, Norman Hoover MD và Ira Singer PhD, tất cả ba vị này đều là nhũng người lãnh đạo và cố vấn cho cuộc can thiệp của phái bộ AMA vàoTrường Y Saigon từ năm 1967. Tập sách SAIGON MEDICAL SCHOOL do chính cơ quan AMA, xuất bản tại Mỹ năm 1988.
Dạo đó, đầu thập niên 70, dưới giàn hoa giấy, trong khoảng sân nhỏ nhà chúng tôi, thỉnh thoảng có những người lính thuộc mọi binh chủng của Quân lực VNCH. Họ ngồi hút thuốc, hay tay đàn miệng hát vì trong cư xá Đoàn Văn Cự ở Biên Hòa có khá nhiều chị đang học lớp 12 rất đẹp. Nhà chúng tôi ở đầu cư xá nên các chị thường phải đi ngang nhà chúng tôi trước khi về nhà mình.
Mẹ tôi bán thuốc tây để dành được một ít tiền cho chị em tôi đi vượt biên. Chuyến đầu mẹ cho ba chị em tôi đi nhưng bị đổ bể, đợt hai mẹ cho chị tôi đi với gia đình dì, và được Cap Anamur Đức vớt, đưa đến Đức vào năm 80. Một năm sau mẹ gửi hai anh em tôi cho cô chủ tàu ở Cần Thơ và chúng tôi được đưa lên tàu đánh cá nhỏ có 89 người.Thuyền rời bến, ngày đầu chúng tôi được phát nước uống, qua ngày thứ hai thì không còn giọt nước nào. Lúc đó vào tháng năm, nắng nóng, thuyền lại không có mui che nên ai cũng mệt lả, thuyền đông người lại quá chật hẹp không cựa quậy gì được, tôi chỉ cần nhút nhích một chút là bị người ta nhéo. Lúc đó tôi chỉ thấy chung quanh là biển rộng mênh mông, tôi nhớ nhà và cầu mong sao cho bị bắt để được về nhà lại.Trên thuyền bắt đầu có một chị bị sảng vì thiếu nước uống, rồi thì không biết ai đó lấy lon Guigoz truyền nước uống cho nhau nhưng ai hớp vô rồi cũng phun ra vì đó là nước biển, mặn quá, tôi cũng không ngoại lệ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.