Hôm nay,  

Phong Thành

8/21/202110:19:00(View: 4303)

 


 Chợ hoa Bà Kiều im ắng lặng ngắt không một bóng người, những sạp hàng trơ trọi sầu, không một cánh hoa rơi, đến cả một tiếng vo ve của ruồi nhặng cũng không. Ngày thường chợ rất sầm uất, nhộn nhịp, mọi người nhóm chợ từ hai giờ sáng, kẻ bán người mua tấp nập. Hoa từ Đà Lạt xuống, từ miền tây lên, miền trung vào, hoa ngoại từ phi trường đến để rồi từ đây hoa được các mối sỉ chia lẻ cho các mối nhỏ hơn và tỏa đi khắp các quận nội thành, ngoại thành và cả các tỉnh gần xa. Lệnh phong tỏa đã giết chết chợ hoa, mà nào chỉ chợ hoa, tất cả các chợ lớn nhỏ đều bị đóng cửa cả.

 Chị Hai Thương thốt lên giọng đầy chán nản:

- Đóng cửa kiểu này chắc ăn cám heo mà sống.

 Anh hai Thành, chồng chị cười méo xẹo:

- Có cám ăn đã là phước! Không chừng cạp đất mà ăn. 

Chị Hai vẫn rền rĩ:

- Đã mấy tháng nay cà giựt cà thọt, làm ăn bết bát, ai còn lòng dạ nào mà chưng hoa nhưng dù sao cũng còn sống lất lây, giờ cấm chợ ngăn sông thì chết chắc! Mình chết, nhà vườn cũng chết, họ còn chết bạo hơn mình, bao nhiêu vốn liếng công sức dồn hết vào hoa giờ đổ sông đổ biển hết trơn.

Giọng anh Hai Thành chùng xuống:

 Mình dân thành phố, hổng mua bán được nhưng cũng còn nhà để ở, còn tiền để ăn. Chỉ tội vợ chồng anh Bình và chị Bông, quê tuốt ngoài trung, vào đây thuê nhà mướn sạp làm ăn, giờ thì tiền đâu trả tiền nhà, sạp, điện, nước, con cái học hành…?

- Nghe nói nhà nước có chương trình trợ cấp – chị Hai Thương phân bua

- Có mà lên ti vi nhận, dẫu cho có thật thì cũng chẳng đắp đổi nổi- anh Hai Thành giải thích

 Hai vợ chồng còn đang nói chuyện thì mẹ Phấn từ bên nhà hàng xóm về, giọng mẹ rổn rảng:

- Vợ chồng thằng Bình con Bông đang gói ghém đồ đạc chuẩn bị về quê, tụi nó tính đèo nhau bằng xe máy chứ giờ làm gì có tàu bè mà đi! Tội gì đâu á! Hai đứa nó lớn thì còn chịu đựng nổi, hổng biết con bé Hương mới mấy tuổi đầu có kham nổi khổ cực dọc đường?

 Anh Hai Thành tuy cũng biết phong thanh rồi, giờ nghe mẹ nói thì lòng càng thêm lo lắng:

- Anh Bình chị Bông còn nợ tiền hoa cả chục triệu, giờ về quê coi như xong, biết khi nào mới lấy lại được đây? Anh chị tuy hiền, chất phác, thật thà nhưng tình hình cấm chợ căng quá ảnh chỉ biết lấy gì trả? Ảnh chỉ năn nỉ con khi nào bình thường trở lại sẽ trả. Giờ con có làm ngặt nữa thì cũng thế thôi. Ảnh chỉ còn gì đâu? Không lẽ xiếc xe trừ nợ?

 Anh Hai Thành ngưng một tí, tợp một ngụm bia Sài Gòn, dường như muốn nuốt trôi cái cục nghẹn xuống, không biết chai bia lạnh có giúp anh hạ hỏa hay không mà không thấy anh nói gì thêm. Chị Hai Thương nhẹ nhàng:

- Mẹ đừng qua nhà hàng xóm nữa, kẻo lây bệnh thì khổ.

 Mẹ Phấn ừ. Buổi tối cả nhà quây quần bên mâm cơm, anh hai mở youtube cho cả nhà xem, từng đoàn người rồng rắn trên đường, xe máy buộc ràng treo máng lỉnh kỉnh đồ đạc, đã thế còn mấy mạng người trên xe, có người còn bồng em bé sơ sinh ngồi sau xe máy… Đoàn người lũ lượt kéo về quê, thảm cảnh giống hệt ngày xưa chạy giặc tị nạn vậy. Những dòng  người và xe chạy xuống miền tây, chạy ra bắc, ra trung, lên cao nguyên… khắp mọi ngả đường. Mẹ Phấn nhìn chăm chăm, chép miệng”

- Giống cái cảnh tỵ nạn hồi nẳm, hồi đó mẹ mới sanh thằngcu Tư, cu Hai mười hai tuổi, cu Ba bảy tuổi. Ba mày chở cả nhà chạy lên sài Gòn bằng chiếc Vespa. Lúc ấy dòng người cũng lóp ngóp như vậy, xác dân bị pháo kích chết la liệt hai bên đường, nhà cháy, xe hư ngổn ngang… Không ngờ sau mấy mươi năm giờ lại thấy thảm cảnh này.

 Nhìn cảnh trạng người dân bỏ Sài Gòn chạy về quê buồn quá, cả nhà ăn cơm dường như cũng mất ngon. Mẹ Phấn than thầm:

- Mình cũng nghèo, hổng giúp gì được họ!

 Anh Hai Thành bảo:

- Mẹ đừng có bận tâm nhiều mà mệt, cái nghiệp lớn quá, mình không giúp gì được đâu! Mẹ cũng già rồi, bao nhiêu năm nay làm công quả, công ích xã hội, từ thiện… cũng quá tốt rồi. Mẹ đừng tự làm khổ mình như thế! Cái nghiệp của dân mình nên mới vậy, dân các nước khác thì chính phủ nước họ lo chu đáo, đâu có xảy ra thảm cảnh như vậy. Ngay cả Cam Pu Chia nghèo rớt mà cũng không đến nỗi như Sài Gòn mình, mà thôi không nói chuyện phúc lợi xã hội nữa, không chừng họ nghe được thì khép mình vào tội Phản động.

  Nửa đêm hôm ấy mẹ Phấn phát sốt, nhức đầu, khó thở… anh Hai Thành lấy thuốc hạ sốt cho mẹ uống, sáng ra mẹ thấy người mệt mỏi rã rượi, mới hôm qua còn khỏe mạnh năng nổ vậy mà giờ trông mẹ yếu hẳn đi, giọng khều khào vì đờm lên:

 - Mẹ thấy khó thở quá, hổng lẽ mẹ dính Covid- 19? 

 Anh Hai trấn an:

- Không sao đâu mẹ, chắc cảm mạo thông thường thôi!

Nói thì nói vậy chứ trong lòng anh Hai đã loạn như số lô tô trong lồng quay. Anh đã có ý nghĩ mẹ dính cô vít rồi. Anh cố bình tĩnh để giữ vững tinh thần cả nhà:

- Để con xin chốt chặn đi ra mua thuốc cảm cho mẹ

 Nhà thuốc buộc anh phải khai báo tên họ, địa chỉ, số điện thoại… vì đây là lệnh của chính quyền. Sau khi uống mấy liều thuốc, sốt có hạ nhưng sự mỏi mệt và tình trạng khó thở không suy giảm. Anh Hai lại mua thêm một lần thuốc nữa và cả bộ thử cô vít luôn. Ngay lần thử đầu tiên, kết quả dương tính! Anh Hai lại thử cho cả nhà, cả nhà đều dính, tuy nhiên anh Hai và hai thằng con trai thì không có biểu hiện trở bệnh. Đến ngày thứ sáu thì bệnh tình mẹ Phấn trở nên nặng nề, hơi thở ngút ngút. Anh Hai bấn loạn, mẹ Phấn nắm tay anh hai mà nước mắt chảy dài:

- Mẹ không sợ chết, mẹ sợ cô độc, đừng đưa mẹ vào nhà thương!  Mẹ có chết cũng chết ở nhà!

 Mẹ Phấn nói đúng, hàng ngày qua mạng xã hội, mẹ thấy và nghe bao nhiêu trường hợp bị cách ly và chết cô độc trong nhà thương. Những cái chết âm thầm, quạnh quẽ không có một người thân nào bên cạnh. Những nạn nhân cô vít nằm một mình cho đến khi tắt thở và trở về nhà là những hũ tro. Mẹ Phấn đã sợ cái cảnh này, mẹ khẩn khoản đến hai ba lần. Lòng anh Hai quặn đau, nhìn thấy mẹ như thế không nỡ nào để ở nhà, ở nhà không có thuốc men, không có bác sĩ, vào nhà thương sẽ được điều trị và chăm sóc… Để mẹ nằm nhà, lỡ có mệnh hệ nào thì tội lỗi này lớn biết dường nào. Lòng anh hai dằn vặt tranh đấu dữ dội, cuối cùng anh quyết định đưa mẹ đi nhà thương thì lại bị từ chối, hệ thống nhà thương của thành đô quá tải, chẳng nơi nào nhận!  Trong lúc rối trí, anh hai nhớ đến thằng út đang du học bên Úc. Thằng Út là một giáo sư anh văn nổi tiếng, có năng lực và cũng quen biết với nhiều vị làm lớn trong ngành y. Anh hai nói chuyện với thằng Út, quả thật vậy, chỉ một cú điện thoại của thằng Út với ông giám đốc nhà thương là người ta chịu nhận mẹ Phấn ngay. Cả anh Hai và mẹ Phấn bị cách ly ngay lập tức, qua ngày sau thì bệnh tình mẹ Phấn quá nặng, họ đưa mẹ vào phòng ICU, còn anh Hai không có triệu chứng gì thì bị chuyển đến trại cách ly. Từ khi vào nằm ICU thì mẹ Phấn đã hôn mê sâu, không còn biết gì nữa. Bác sĩ cho hay:” Phổi mẹ Phấn trắng xóa, suy tim, suy thận... khó hy vọng qua khỏi”. Thằng Út nghẹn nhưng không còn cách nào, anh Hai thì bị cách ly, chỉ còn anh Ba và anh Tư ở ngoài nhưng cũng không thể đến nhà thương thăm mẹ. Mẹ Phấn hiền hòa, nhân hậu, sống chan hòa với mọi người nên ai cũng thương mến. Mẹ Phấn rất năng nổ hoạt động công ích xã hội, rất thích đi đây đi đó… vậy mà giờ nằm cô độc trong nhà thương này, một mình trong căn phòng lạnh lẽo. Mẹ Phấn không còn biết gì nữa, dù là cái đau của thể xác, dù những con vi trùng cô vít đang đục phá rúc rỉa lá phổi của mẹ. Mẹ Phấn nằm đó, hơi thở đất trời không còn vào ra được, phải nhờ máy trợ thở để đưa ô xy vào, tim mẹ giờ cũng đập yếu ớt, bảng điện tâm đồ chỉ thấy nhấp nhô nhẹ gần như là một vệt thẳng. Mẹ Phấn nằm đó, bao nhiêu buồn vui, gian nan vất vả một đời giờ như trút hết cả rồi. Con cháu thương yêu ra rít giờ cũng như gió thoảng mây bay, còn ý nghĩa gì nữa đâu! Mẹ Phấn nằm trong sự tịch lặng đến vô cùng, ngoài tiếng bíp bíp nho nhỏ của máy móc giúp mẹ còn lưu lại với thế gian. Trong phòng không một bóng người, không một tiếng nói của loài người. 

 Trong sự tịch lặng tưởng chừng như tuyệt đối ấy lại đang diễn ra một sự loạn động dữ dội. Những thiện nghiệp và ác nghiệp trong một đời và cả những kiếp quá khứ đồng loạt trỗi lên, chúng quyết liệt giành xuất hiện trước. Những ký nghiệp, vô ký nghiệp trong tạng thức cũng nổi lên, thật sự thiện nghiệp và ác nghiệp tương tranh trong sự bất phân thắng bại, vì cả hai lực đều cân phân nhau. Những lúc này rất cần sự trợ duyên bên ngoài để lực lượng thiện nghiệp thêm mạnh mà cầm cờ dẫn đầu đi trước. Trong lúc hai nghiệp lực tương tranh quyết liệt thì mẹ Phấn vẫn nằm bất động, tâm ý và thân xác  mẹ giờ không còn là của mẹ nữa. Phổi mẹ không còn hoạt động, máy thở thay cho phổi. Hệ tiêu hóa cũng không hoạt động, người ta truyền dưỡng chất vào thẳng trong bao tử. Mẹ giờ không còn biết thằng Hai, thằng Ba, thằng Tư và cả thằng Út mẹ rất mực yêu thương đang ở tận chân trời xa thẳm.

 Ông giám đốc nhà thương cho người quay những đoạn video ngắn để chuyển cho thằng Út. Ông ấy cũng rất tốt với thằng Út. Nhớ năm nào ba vợ thằng Út từ dưới quê lên, ổng cũng sắp xếp để điều trị chu đáo. Thằng Út cũng như anh Hai, anh Ba, anh Tư lòng như lửa đốt nhưng bất lực. Lệnh phong tỏa, cách ly không cho phép ai được thăm bệnh nhân cô vít. Viễn cảnh tử biệt sinh ly đang diễn tiến từng giây trong sự tuyệt vọng của cả nhà. Thằng Út từ xứ Úc xa xôi, ngày đêm đau buồn mà không làm gì được, nó nghỉ học cả tuần nay. Người chứ phải chim đâu mà bay vượt không gian, càng không phải cá để có thể bơi vượt đại dương! Lệnh phong thành bế môn bịt hết mọi con đường.

Thằng út khóc mà nước mắt chảy vào trong. Nó thương mẹ, nó cũng như tất cả những thằng út trên cõi đời này, không nói ra nhưng nó biết giờ phút biệt ly vĩnh viễn đã cận kề. Nó, anh Hai, anh Ba và cả nhà đang chứng kiến cái cảnh độc sanh độc tử độc khứ độc lai mà lâu nay vẫn nghe nói.

 Chưa bao giờ mà con người lại thấy mình nhỏ nhoi và bất lực như khi đối diện với cảnh này, danh tiếng, gia sản cũng không giúp gì được, những yêu thương một đời cũng vô ích, những oán ghét hay mừng vui giờ cũng rụng rơi… Dù lo sợ, dù không nói ra nhưng vô thường vẫn đến như thường. Mẹ Phấn không còn tiếp nhận Ô xy từ máy thở nữa, tim mẹ ngưng đập rồi. Mẹ Phấn ra đi trong cô độc, không có một ai ở bên mình, con vi trùng nguy hiểm đã buộc chính quyền hạ lệnh cách ly, phong tỏa đầy nghiệt ngã. Anh Hai khóc trong sự hối hận:

- Nào ngờ lần đưa mẹ đi lại là lần vĩnh biệt!

 Bạn bè anh hay biết gởi tin nhắn chia buồn và an ủi:

- Bạn đừng có quá sầu bi, đừng tự trách mình nữa! Ở vào hoàn cảnh ấy thì ai cũng phải làm vậy thôi, nỡ nào để mẹ ở nhà, vào nhà thương còn có bác sĩ và thuốc men để chữa trị. Nếu nằm ở nhà mà không có máy thở thì còn đau đớn kinh khủng hơn. Việc sanh tử vốn vô thường, không thể nào biết được và chúng ta hoàn toàn bất lực!

 Xứ chuột túi vốn bình yên tĩnh lặng, bầu trời trong xanh, miền phương ngoại đẹp như cảnh thiên đường. Từ ngày đưa vợ con đến đây để du học, cả gia đình nhỏ của thằng Út thích lắm, vậy mà giờ cảm thấy trống trải và buồn tênh. Thằng Út nhờ người quen dẫn lên chùa nhờ thầy làm lễ cầu siêu cho mẹ. Thầy bảo tất cả bảy thất là một ngàn tư, còn muốn để hình mẹ thờ ở chùa nữa thì trọn gói bốn ngàn. Vợ chồng thằng Út xanh mặt, với người đi du học tự túc, gia đình vốn không phải dư dả gì, với số tiền này quả là quá lớn. Có người khuyên thằng Út:

- Ở đây chỉ là cúng phụ, chính vẫn là ở Sài Gòn, có anh Hai, anh Ba và gia đình ở bển cúng kiếng chu đáo rồi. Em có thể nhờ thầy cúng thất đầu và thất cuối, những thất kia thì chỉ lên chùa lễ Phật tụng kinh cũng được, còn chuyện thờ ảnh mẹ ở chùa cũng không cần thiết, vì ảnh và tro cốt mẹ đã được đưa vô chùa ở Sài Gòn. Em cũng nên nhớ, cái chính là tự thân, ông thầy chỉ là trợ duyên.

 Vợ chồng thằng Út nghe cũng có lý, tính tới tính lui vì hai đứa còn phải lo việc học, sự sống trong những ngày tháng tới...Lòng thằng Út nặng tình thương mẹ, nó tặc lưỡi:

- Nghĩa tử là nghĩa tận.


TIỂU LỤC THẦN PHONG

Ất Lăng thành, 08/2021

 

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Lúc xưa thật xưa, người Việt Nam ta có tục lệ bầy cỗ Trung Thu vào dịp tết trăng tròn tháng 8 âm lịch. Cỗ này thường để dành cho trẻ con, vừa vui Trung Thu, vừa ăn bánh vừa ngắm trăng tròn, sáng tỏ. Thường cỗ này gồm phần lớn là bánh Trung Thu, bánh dẻo bánh nướng và rất nhiều thứ trái cây, trái cây chánh là bưởi, bưởi hồng đào ngọt và tròn xoay như một vầng trăng. Ăn bưởi xong, có thể sâu hột trái bưởi, phơi khô đi sem sém, và có thể đốt hạt bưởi từng sâu như đốt nến, đèn cầy.
Tường Vi sinh ra lớn lên từ miền “quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo hè thời thiếu cơm”. Trước 1975, ba Vi có chức vụ lớn trong quân đội, làm việc tại Đà Nẵng cuối tuần mới ra Huế. Gia đình Vi ở bên kia bờ Sông Hương nằm trên đường Nguyễn Công Trứ, khu nhà vườn rộng mênh mông có bến sông sau, trước ngõ trồng hàng loạt hoa Tường Vi. Mẹ rất thích loại hoa này, nên đặt tên Vi giống loài hoa. Vi có bốn chị em gồm hai em trai (Vinh, Lộc) và gái út (Tường Như), Vi là chị đầu đàng. Năm 13 tuổi vì thi rớt nên phải học trường tư thục Bồ Đề đến năm lớp tám, ba Vi từ Đà Nẵng dẫn theo người thanh niên về Huế giới thiệu tên Sơn, ra Huế học đại học luật khoa, sẽ dạy kèm chị em, làm gia sư ăn ở trong nhà luôn. Vì tò mò hỏi mạ
Sau này, mỗi khi muốn kết bạn với ai, tôi thường nghĩ về Bi, về lúc Bi cầm tay tôi cho con Nâu ngửi với sự trấn an vô tư của trẻ con thời khó khăn nhất. Chúng tôi không có đồ chơi, không có không gian lớp học năng khiếu, thi tài, không có những cuộc chạy đua đồ đạc mới hay chôm đồ đạc của nhau trong lớp học. Chúng tôi chỉ có bàn tay, con Nâu, đường đất đỏ về nhà và một bờ sông nguy hiểm.
Kể cả sau khi ra trường đi dạy, góc nhìn chọn lựa đàn ông của tôi rất giới hạn. Không cần đẹp trai, nhưng không thể xấu. Không quá cao, cũng không thể lùn. Không ăn diện thời trang, cũng không quê mùa. Không nói nhiều, cũng không câm nín. Không cần thông minh, nhưng đừng ngu khờ. Không cần làm anh hùng, nhưng đừng hèn nhát. Nhưng các tiêu chuẩn này không có nghĩa tôi sẽ chọn người trung bình.
Một ngày cuối tháng tám, vợ chồng tôi chở anh chị đi chơi, ăn uống; đang ăn bỗng dưng anh nhìn xa xăm, nói vu vơ như không cần người nghe: - Tôi cần một phương pháp trợ tử! Tôi giật mình lo lắng đưa mắt nhìn chị, nước mắt đong đầy trong hốc mắt, chị nhẹ nhàng tâm sự: - Ai cũng phải đến ngày đó thôi! Anh đã chịu đựng đau đớn mỗi lần lọc thận về, ăn uống không được ngon miệng nữa, ngủ nửa đêm thức giấc vì nóng hay lạnh quá, không được uống quá nhiều nước cho dù có khát cách mấy vì thận đã không làm việc nổi. Anh lại thương chị mỗi khi thấy chị cực giúp anh làm vệ sinh cá nhân. Con cái ở xa, chúng có cuộc sống riêng, đâu thể lúc nào cũng kề cận lo cho cha mẹ mãi được, khi cần chúng có thể đến giúp có hạn mà thôi…
Tuy không còn ở đó nhưng hắn vẫn thường nhớ những chiếc lá vàng trên cây khế nhẹ rơi, giàn hoa giấy rực rỡ cười với nắng trước mưa chiều. Cái máy hát cũ kỹ với băng đĩa nhão vừa hợp với nhạc sến, “tình chỉ đẹp khi còn dang dở…” Hắn gởi gió cho mây ngày bay một đoạn đời hư thực huyền ảo như lời nhạc rả rích từ cái máy hát lớn tuổi hơn hắn lúc bấy giờ khi những toan tính về tương lai chưa có đáp số thì bài toán một với một đã không bao giờ là hai từ khi em lấy chồng.
Chiếc Airbus A380 của hãng hàng không Emirates từ từ đáp nhẹ nhàng xuống phi trường quốc tế Tokyo Narita. Airbus A380 là loại máy bay khổng lồ, có thể chứa trên 500 hành khách, chỗ ngồi rộng rãi, thoải mái và bay rất êm...
Tuy Hòa, nơi tôi sống quãng đời thơ ấu, là một thành phố nhỏ hiền hòa nằm sát bờ biển, giống như nàng “Mỹ Nhân Ngư” phơi tấm thân kiều diễm trên bãi cát trắng tinh. Nàng dựa đầu trên núi Chóp Chài, đôi mắt mơ màng nhìn ra biển Đông, nghe gió thổi vi vu qua những bãi thùy dương dày đặc trên bãi biển Đại Lãnh, đầu đội vương miện hình Tháp...
Hôm nay, tôi lại có dịp ghé vào “cõi riêng” của tôi để lau dọn, quét bụi. Nhìn thùng sách nằm nơi góc phòng, tôi nhớ anh Quang, không dám mở thùng sách ra, rồi chẳng hiểu sao, lại tha thẩn ngồi xuống ngắm nghía những cuốn albums và tủ sách của riêng mình. Tôi nhẹ nhàng lấy ra từng cuốn sách, xem tựa đề, để tâm hồn lại lang thang trôi về quá khứ.
Có nhiều người tự hỏi là tại sao sang đến xứ tự do tạm dung này lại có những chuyện buồn như thế xảy ra cho người đàn ông, thay vì chỉ thường thấy xảy ra cho người đàn bà khi chúng ta còn ở quê nhà. Chắc rất nhiều người trong chúng ta, nhất là phái nam, đều hiểu rõ có nhiều nguyên nhân rất sâu xa, tế nhị, phức tạp, không tiện nêu ra ở đây, nhưng câu chuyện tình buồn được kể lại sau đây là một trong những trường hợp điển hình
…Khi anh tới cổng viện dưỡng lão, trời đã chạng vạng tối, chỉ còn bà mẹ anh và bà thư ký ngồi co ro trên ghế đá… họ đợi anh, bà thư ký vội báo cho anh hay là anh hãy canh giữ, nuôi bà cụ khoảng một tháng, chờ tình hình dịch bệnh tăng giảm ra sao, rồi thành phố sẽ quyết định và nhà già sẽ liên lạc với anh ngay sau đó. Bà thư ký đi khỏi, anh quay lại ngó mẹ và đau lòng thấy bà cụ co dúm như một mớ giẻ rách khô… anh đỡ mẹ ra xe, và nhỏ nhẹ khuyên trấn an: - Mẹ cứ về ở với con ít lâu, coi tình hình ra sao?
Có nhiều người sợ hãi khi nghĩ đến cái chết, nhưng thật ra nếu nghĩ thường xuyên đến cái chết là một việc hết sức tích cực và giúp cho người già rất nhiều. Mỗi khi nghĩ đến cái chết giúp cho ta thức tỉnh và sống trở lại giây phút hiện tại và quán chiếu xem mình phải làm gì trước khi nhắm mắt lìa đời. Nghĩ đến cái chết giúp ta dừng lại, xem xét những việc mình đang làm, những gì mình ước mong thực hiện và những tham vọng về tiền tài, chức phận, vật chất để được hưởng thụ. Khi tuổi về già chúng ta không nên tránh né nghĩ đến cái chết, mà nên nghĩ đến nó thường xuyên và nhất là nên chuẩn bị cho cái chết. Khi chuẩn bị cho cái chết ta sẽ suy nghĩ chín chắn hơn những gì nên và không nên làm trước khi qua đời và mình sẽ tự giúp tránh những việc vô ích, không có ích cho ai và mất thì giờ, để dành cho những việc quan trọng hơn, có ích lợi
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.